Nằm hiền hòa bên bờ sông Ayeyarwady, cố đô Bagan của Myanmar đã từng có lúc được xây dựng với hơn bốn ngàn ngôi chùa, đền tháp cổ. Sau trận động đất lớn năm 1975, chỉ còn lại khoảng hơn hai ngàn ngôi chùa, đền tháp. Ở đây các đền tháp còn giữ được hiện trạng rất tốt và giữ được những nét tinh xảo xưa kia. Dưới đây là những đền tháp nên dành thời gian đến thăm và tìm hiểu khi có dịp đến thăm cố đô Bagan.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-06-01-2016-1452013778

Lawkachanthar – Thagyarhit – Thagyarpone: Từ thị trấn Nyang U, nơi đầu tiên du khách cảm nhận được hình bóng của quá khứ huy hoàng đất Phật Bagan là cụm đền Lawkachanthar – Thagyarhit – Thagyarpone. Dưới ánh nắng sớm màu đỏ gạch ánh lên sắc màu thời gian của miền đất thành phố cổ.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-3

Đền Ananda (Ananda phaya): đây là ngôi đền được nhiều du khách quốc tế đánh giá là ngôi đền đẹp nhất ở cố dô Bagan. Phía trong đền Ananda, ở bốn hướng được đặt bốn tượng Đức Phật lớn bằng vàng, là những Đức Phật đã nhập cõi Niết Bàn. Phía đông là Phật Konagamana (Phật Câu Na Hàm), ở phía tây là Phật Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni), phía nam là Phật Kassapa (Phật Ca Diếp) và cuối cùng ở phía bắc là Phật Kakusandha (Phật Câu Lâu Tôn). Khi đến bên Đức Phật để cầu nguyện, hãy luôn mỉm cười để lòng luôn thanh thản, thiện tâm.

Htilo Mininlo: ngôi đền bề thế và tinh xảo này được vua Zeya Theinkha cho xây dựng. Vua cha của Theinkha có 5 người con trai và ông muốn chọn người kế vị ngai vàng. Trong ý muốn của ông, Theinkha là người xứng đáng nhất, nhưng để công bằng, ông đã chọn lựa người để truyền ngôi theo truyền thống của hoàng tộc. Ông sử dụng một cây dù trắng và đặt nó giữa các hoàng tử. Cây dù này ngả về phía ai, người đó sẽ được chọn. Cây dù đã chọn Theinkha và ông lên ngôi với sự tích kỳ lạ như vậy. Theinkha đã xây dựng ngôi đền với cái tên “Htilo Mininlo” nghĩa là đức vua được lựa chọn bởi chiếc dù trắng.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-5

Dhamma Yangyi: là ngôi đền có diện tích lớn nhất ở Bagan, có hình khối kim tự tháp, do vua Narathu (Kalagya Min) cho xây dựng năm 1167. Điều đặc biệt là ngôi đền này không có đỉnh chóp như những ngôi đền khác. Sau khi giết chính vua cha của mình, Narathu chiếm ngai vàng và cho xây dựng đền bằng gạch đỏ, đất nung nhưng không hề có mạch vữa. Tương truyền Narathu đã tự mình giám sát việc xây dựng và những người thợ xây sẽ bị xử tử nếu một cái kim nhỏ có thể xuyên lọt giữa hai lớp gạch. Sau khi ngôi đền được xây xong, ông đã sai binh lính chặt hết tay của các nô lệ để đảm bảo giữ bí mật kỹ thuật xây ngôi đền. Trong ngôi đền, ông cho đặt hai bức tượng, tượng của vua cha và bức còn lại là tượng anh trai của ông. Cả hai đều bị ông ám sát để đoạt ngôi. Còn có một bức tượng người phụ nữ nằm sau bức vách, đó là vợ của ông, người cũng bị ông giết chết. Tương truyền rằng ngôi đền xây mà không hoàn thành được do những nhân quả mà Narathu gây ra, đó cũng giải thích vì sao nó không có đỉnh chóp như những ngôi đền khác.

Sulamani (Sulamani phaya): được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Đền Sulamani có nhiều khác biệt so với những ngôi đền còn lại ở Bagan bởi những bức tường được trang trí rất đẹp phía bên ngoài đền và những bức tranh tinh xảo được chạm khắc trên trần phía bên trong. Khi bước chân vào ngôi đền ngàn năm tuổi này, bạn sẽ có cảm giác như đã bỏ lại những bụi trần phía bên ngoài cổng đền, tạm quên đi mọi thế sự nhân gian.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-6

Đền Shewsantaw: ngôi đền này không đặc trưng bởi kiến trúc của nó cũng không có lịch sử hình thành đầy thú vị như những ngôi đền khác. Nhưng Shewsantaw lại rất nổi tiếng với các du khách vì từ vị trí của ngôi đền này, bạn có thể chiêm ngưỡng những góc nhìn đẹp nhất về Bagan. Trong những ngôi đền mà du khách được phép leo lên ngắm cảnh thì ngôi đền này có độ cao tốt nhất. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều người chọn nơi đây làm nơi ngắm bình minh và hoàng hôn ở Bagan. Shewsantaw rất đông du khách ghé thăm nhưng chỉ vào 2 thời điểm duy nhất trong ngày đó là bình mình và hoàng hôn.

Thatbyinnyu (Thatbyinnyu pahto): Thatbyinnyu là ngôi đền cao nhất ở vùng đất đầy gió bụi này, nằm gần đền Shewsantaw ở phía đối diện bên kia con đường. Có lẽ sau khi những bức tường rêu đen của Ananda trong lúc bảo tồn đã bị cạo thành màu vôi trắng thì Thatbyinnyu đã trở thành ngôi đền có màu rêu phong đẹp nhất ở đây, nơi trên từng mảng tường rêu đen vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian trên lớp áo cũ kĩ của đền.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-9

Chùa Shwezigon: chùa vàng Shwezigon là biểu tượng linh thiêng của Bagan. Là hình mẫu kiến trúc nguyên bản để xây chùa vàng Shwedagon ở Yangon nhưng khác với Shwedagon tráng lệ nguy nga thì Shwezigon lại mang đến cảm giác thanh bình và yên tĩnh hơn rất nhiều. Tương truyền có hơn 30 tấn vàng được dát lên và hàng ngàn viên đá quý được gắn trên đỉnh chóp. Nơi đây, bạn có thể kiếm cho mình một góc nào đó để ngồi chiêm nghiệm cuộc đời, nhìn trời nhìn mây mơ màng hàng giờ liền cho dù cuộc sống ngoài kia có sôi động, nhộn nhịp đến đâu.

Quần thể chùa Nochanthar: Nochanthar nép mình dưới những hàng thốt nốt xanh tạo nên một khung cảnh yên bình đến lạ. Kiến trúc chùa phía trước được tu sửa bằng xi măng và tay vịn sắt không hợp không gian và cấu trúc cổ kính. Nếu thay bằng gạch và gỗ thì sẽ đẹp hơn, tuy nhiên chùa vẫn rất đẹp ở một góc nhìn ngang. Chùa Nochanthar nằm gần đền Ananda theo lối kiến trúc đặc trưng của Myanmar, được thiết kế hài hòa giữa gạch nung, mái gỗ và những gam màu đầy rêu phong thời gian.

nhung-den-thap-co-kinh-o-bagan-10

Chùa Bupaya: Bạn cũng nên đi thuyền ra giữa dòng sông Ayeyyarwardy nhìn về phía ngôi chùa Bupaya để có một góc nhìn khác về Bagan cổ kính. Chùa Bupaya được phục chế sau trận động đất lớn năm 1975.