lao

Thông tin chung: Đến với Lào là đến với xứ sở của Phật giáo, nơi có số lượng chùa nhiều nhất thế giới với tổng cộng 1.400 ngôi chùa, 90% dân số Lào theo đạo Phật. Chùa gắn với trường học, với chính trị, với quốc sách và gắn cả với đời. Lào còn được coi là đất nước của những lễ hội quanh năm ngày tháng. Lễ hội ở Lào là những dịp dân chúng vui chơi, múa hát, ăn diện và đương nhiên phần “lễ” của Lễ Hội Lào luôn gắn chặt với chùa chiền.

Một số điểm tham quan:
Vientiane (Viêng – chăn):

Patuxai_

Viêng Chăn là thủ đô của Lào và cũng nơi duy nhất có: nhà thờ Hồi giáo, chỗ chơi bowling, nhà thờ và nightclub ở Lào. Địa danh này có các thắng cảnh nổi tiếng là: Pha That Luang, Wat Simuang (chùa Mẹ – nơi các nhà sư thường làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho dân), chùa Sisaket (bảo tàng của hàng ngàn bức tượng Phật lớn nhỏ và bằng nhiều chất liệu), vườn Phật, tượng đài chiến thắng Patuxay, Black Stupa. Điểm mua sắm bạn không nên bỏ qua tại đây là chợ Sáng (morning market).
Di sản Khmer cổ đại:

AngkorWat_2

Nếu bạn yêu thích bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ hay serie phim phiêu lưu Indiana Jones, chắc chắn bạn sẽ thích thú khi tới tỉnh Champasak để tham quan những tàn tích đền thờ cổ của Khmer. Quần thể đền thờ, cung điện Wat Phu này nhỏ hơn Angkor Wat nhưng lại khá vắng vẻ, mang vẻ đẹp huyền bí, tĩnh lặng. Công trình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cố đô Luang Prabang:

luang-prabang-

Trong các điểm đến của Lào thì cố đô LuangPrabang là nơi xứng đáng để bạn tiêu tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc nhất. Tại đây, bạn có thể tới thăm hệ thống chùa chiền nguy nga tráng lệ của cố đô như chùa Wat Xieng Thong, Wat Visunarath, Wat Mai, Wat Aham, Wat Sene… và cả Chùa Phật tích của người Việt bên bờ Mekong …

Hang trú bom Vieng Xai:

VX

Hệ thống hang động cực lớn này là một trong những di tích lịch sử quan trọng bậc nhất ở Lào. Trong chiến tranh, có tới hơn 20.000 người trú ẩn tại đây để tránh bom. Họ đã xây dựng bên trong hang động đầy đủ bệnh viên, chợ và cả nhà hát…

Xiêng Khoảng:

XK

Nơi có di sản văn hóa Cánh đồng Chum nổi tiếng thế giới là đích đến thứ hai trong hành trình chinh phục xứ chùa Tháp. Sau khi tham quan địa danh này, nếu có thời gian, bạn có thể ghé qua Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua để khám phá và tìm hiểu về văn hóa, đời sống của đất nước an hem.
Chèo thuyền kayak ở Si Phan Don:

kayak

Si Phan Don, còn gọi là “vùng đất 4.000 đảo” là một trong những địa điểm lý tưởng nhất đất nước để tham gia bộ môn chèo thuyền kayak. Du khách được sải mái chèo trên dòng nước phẳng lặng, dừng giữa đường ngắm cảnh quan thiên nhiên và những ngôi làng tuyệt đẹp bên dòng Mekong.

Những điều cần biết:

Du lịch Lào khi nào?: Bạn có thể đến Lào vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, song trước khi đến cần biết mùa chính xác của quốc gia này để chuẩn bị đồ chống nắng hay đồ đi mưa. Lào cũng có 2 mùa là mùa hạ và mùa đông.

Di chuyển từ Việt Nam – Lào: Bạn có thể xuất phát sang đất nước này từ Sài Gòn, Hà Nội bằng máy bay hay xe khách.

– Từ Hà Nội có thể mua vé xe sang Lào đi Vientiane tại số 3A Nguyễn Gia Thiều, xuất cảnh ở cửa khẩu Cầu Treo. Hay vào Vinh, mua vé xe bus đi Xiêng Khoảng qua cửa khẩu Nậm Cắn Nhà xe sẽ đóng dấu xuất nhập cảnh, nên bạn không phải lo lắng thủ tục.
– Từ TP. HCM, bạn có thể đi đường bộ sang Lào qua cửa khẩu ở Kon Tum, Quảng Trị, Huế hoặc Quy Nhơn.
Ngoài ra, nếu có xe (máy, ô tô…) và muốn tự lái, bạn có thể xin giấy phép liên vận Việt – Lào tại Sở GTVT.

Di chuyển trong nước Lào: Phương tiện di chuyển chính tại Lào là xe tuk tuk và xe pickup (một dạng xe tải nhỏ). Lịch trình xe luôn có sẵn tại các bến xe hay công ty du lịc. Ngoài ra, khách du lịch có thể khám phá Vientiane bằng cách thuê xe đạp.
Mẹo để tiết kiệm tiền và thời gian di chuyển tại Lào: Nên đi chung xe tuk tuk với các du khách khác để tiết kiệm hoặc mua vé xe pickup trước một ngày và không nên mua khứ hồi.
Đến bất kỳ điểm du lịch nào nên hỏi về tuyến đến thắng cảnh tiếp theo trước khi tham quan.

Khách sạn, nhà nghỉ: Dịch vụ du lịch ở Lào khá phát triển, nhưng nhà nghỉ bình dân chiếm đa số.

Ăn uống và đặc sản: Về cơ bản, món ăn Lào khá giống Việt Nam nên dễ thưởng thức và gần gũi. Các món bạn không nên bỏ qua khi đến đây là các món nướng, lạp, xôi trắng…Đặc biệt, gia vị ở Lào thường gồm chua, cay, ngọt. Cay chiếm vị thế trong các món ăn của Lào. Thức uống thì có bia Lào, loại bia được xưng tụng ngon nhất Đông Nam Á.
Mang gì khi đến Lào?
– Hộ chiếu.
– Sách hướng dẫn du lịch Lào của Lonely Planet.
– Mũ nón, khẩu trang, kính râm, áo chống nắng, găng tay.
– Đi giày mềm để không bị bắt nắng vào mùa hè và lạnh giá trong mùa đông.
– Nên mang thuốc trị các bệnh cơ bản.
– Mang kem chống nắng, kem chống và trị côn trùng.
– Mua sim điện thoại tại cửa khẩu.
– Bạn có thể sử dụng USD, Kip và đồng Việt tại Lào nhưng để hạn chế những phát sinh không đáng có khi du lịch ở vùng nông thôn, bạn nên đổi đồng Kip.

Những điều kiêng kị khi đến Lào:

laoo
– Tuyệt đối không ôm eo, hôn tay hay chạm vào phụ nữ Lào nếu chưa được cho phép, thậm chí ngay cả ở những điểm dịch vụ massage mà bạn cũng có hành động tương tự thì người chủ khách sạn sẽ báo cảnh sát và lập tức bạn bị xử phạt.
– Có hành động sờ, hay vỗ đầu một người Lào (đặc biệt là đàn ông) thì không những là điều kiêng cử mà còn bị xem là sự xúc phạm nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến ẩu đả gây thương tích.
– Người Lào rất tôn thờ Đạo Phật. Khi đến thăm chùa chiền, bạn tuyệt đối không được làm mất trật tự, ăn mặc hở hang hay có những lời nói khiếm nhã, trêu ghẹo. Bạn không nên quay lưng vào tượng Phật hay í ới gọi nhau trong chùa. Hãy thật để ý các biển cấm ở đây. Nếu người ta quy định không được chụp ảnh thì bạn phải tuân thủ. Đừng vì thấy kiến trúc đẹp mà cố chụp lại vài tấm kỉ niệm, bạn sẽ bị mời ra ngay tức khắc.
– Khi tham gia giao thông, bạn không nên bấm còi inh ỏi. Mặc dù hành động không bị cấm ở đất nước này, nhưng người dân ở đây xem chiếc còi… là chi tiết thừa nhất trên một cái xe! Hiếm khi bạn thấy người Lào bấm còi, nên nếu bạn giữ thói quen sử dụng còi xe như ở Việt Nam, người ta sẽ rất khó chịu, thậm chí còn tưởng bạn là người ngoài hành tinh.
– Khi đi qua một làng bản mà bạn thấy nơi cổng vào làng có một sợi dây kết bằng bông vải giăng ngang hoặc một ký vật, một ký hiệu đặc biệt, tục gọi Tà-léo – tùy địa phương, thì phải hiểu là dân trong làng này cấm người lạ vào làng. Thường là vì trong làng đang có trường hợp bệnh lạ hay người chết một cách khó hiểu có thể gây sự truyền nhiễm, hoặc hôm đó nhằm một ngày kiêng cử của làng.

– Khi ngủ ở nhà người bản xứ, bạn không được hướng đầu về phía cửa ra vào. Buổi tối, bạn không nên hớt tóc hay cạo râu. Bạn phải kiêng hớt tóc vào ngày thứ tư và kiêng gội đầu vào ngày thứ năm. Bạn không được giã cối trống trong nhà người ta hay là chui qua dây mà ở trên có phơi áo quần của phụ nữ.