Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là con dân của đất Tràng An thì không còn lạ gì bài hát “Người Hà Nội”. Đây là một bài hát rất hay về Hà Nội với các tiết tấu thay đổi nhanh chậm, và đặc biệt là chứa rất nhiều địa danh nổi tiếng đặc trưng của Hà Nội.
Bài hát “Người Hà Nội” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác vào đầu năm 1947 ngay khi nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp vài ngày. Do được ra đời vào thời điểm nóng bỏng của lịch sử mà bài hát có những đoạn cao trào hào hùng, sôi nổi, nhưng lại có những đoạn sâu lắng như tâm tư của người Tràng An duyên dáng, song cũng có những lúc nhịp nhanh và sôi động, sáng ngời lên vẻ tươi sáng. Quả thật nếu không tra khảo lịch sử thì khó có thể đoán được bài hát này được sáng tác vào thời gian ác liệt của những năm 1947.
Hà Nội rực rỡ trong đêm.
Trong lời bài hát, tác giả Nguyễn Đình Thi có nhắc đến rất nhiều điạ danh của Hà Nội. Có những địa danh không còn lạ gì với mọi người nhưng cũng có những địa danh đã không còn trong thời điểm hiện tại. Hãy cùng Treviettours khám phá Hà Nội hiện nay với chỉ dẫn của những năm 1947 nhé.
…
Hà Nội đẹp sao!
Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng
…
Hồ Gươm từ lâu đã được biết đến như một biểu tượng của đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến. Đây là một hồ nước nhỏ nằm gọn trong trung tâm Hà Nội, cũng là mảnh đất Thăng Long năm xưa. Hồ Gươm nổi tiếng với truyền thuyết vua Lê trả gươm cho Thần Kim Quy. Chuyện kể rằng sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi đi dạo trong hồ Lục Thủy (vì nước hồ xanh quanh năm) thì có rùa thần hiện lên, xin lại thanh gươm trước cho vua mượn đánh giặc. Từ đó mà hồ được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm, hay Hồ Gươm. Giữa hồ có đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc sơn đỏ cong cong. Xung quanh hồ hiện nay có nhiều di tích quan trọng như tháp Hòa Phong, Đài Nghiên Tháp Bút, tượng đài vua Lý Thái Tổ,…
Đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc
…
Hà Nội vui sao những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng đây ô Chợ Dừa
Kìa Ô Cầu Rền làn áo xanh nâu
Hà Nội tươi thắm sống vui phố hè
Bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào
…
Ô Chợ Dừa và Ô Cầu Dền là hai địa danh bạn chỉ có thể nghe tên mà không tưởng tượng ra được. Đây là hai ô cửa của thành Thăng Long năm xưa, từ thời các vua Lý. Hiện tại thì cả hai đều không còn nữa nhưng bạn vẫn có thể đến thăm Ô Quan Chưởng để hình dung một phần nào.
Ô Cầu Dền có tên chữ là Yên Ninh. Vị trí hiện tại của Ô Cầu Dền nằm ở ngã tư nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Theo các tài liệu cổ thì đây chính là cửa chính huyết mạch nối thành Thăng Long với các tỉnh phía Nam, và đặc biệt vào thời Nguyễn là nối với Kinh thành Huế. Ô Cầu Dền từ xưa được miêu tả là vô cùng kiên cố, có nhiều cây cối rậm rạp và một rừng mai (nay là khu Bạch Mai). Nơi đây ngày trước có một con kênh nhỏ dẫn nước thải trong nội thành ra, gặp đất phù sa tươi tốt mà có nhiều rau dền mọc. Cây cầu bắc qua được gọi là Cầu Dền và trở thành tên cho một cửa của kinh thành Thằng Long.
Hình ảnh Chợ Dừa năm xưa
Ô Chợ Dừa thì lại nổi tiếng là một nơi buôn bán sầm uất của đất Kinh kỳ năm nào. Cái tên Chợ Dừa là để chỉ một cái chợ tấp nập dưới bóng của một hàng dừa bát ngát. Hiện nay, vị trí của Ô Chợ Dừa là ngã sáu Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn.
…
Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ
Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai
Ôi thiết tha lòng ta biết bao nhiêu
Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi
…
Chợ Đồng Xuân thì không còn gì là mới lạ với bất kỳ ai đến Hà Nội, kể cả các du khách Tây Balo. Đây là chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ, và là điểm đến du lịch của các du khách và dân địa phương. Vị trí của chợ nẳm ở giữa phố Đồng Xuân, phố Hàng Khoai, phố Cầu Đông. Chợ ra đời vào năm 1804 bởi Tổng trấn Nguyễn Văn Thành triều Nguyễn, trẻ hơn nhiều so với các địa danh xung quanh. Chợ Đồng Xuân ngày nay là đầu mối bán buôn là chủ yếu. Đủ chủng loại hàng hóa từng được bày bán ở đây xưa kia. Tuy nhiên, giờ bạn sẽ tìm được các mặt hàng đồ điện tử, gia dùng và vải vóc quần áo là chính.
Chợ Đồng Xuân trong một bức ảnh cổ.
Hình ảnh chợ Đồng Xuân tái hiện trong một bối cảnh 3D
Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai là tên các con phố của thành Thăng Long vẫn được dùng đến ngày nay. Những cái tên này được đặt theo mặt hàng bày bán chủ yếu tại những phố này. Hàng Đào nổi tiếng với nghề nhuộm vải và bán tơ lụa. Chả thế mà có câu:
Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người.
Phố Hàng Bạc.
Hàng Bạc nổi tiếng với nghề kim hoàn truyền thống. Vào thời Pháp thuộc, nơi đây còn kiêm luôn cả phố đổi tiền. Hiện nay thì phố Hàng Bạc tập trung khá nhiều các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch như các đồ bằng kim loại hoặc gỗ đậm chất Việt Nam. Du khách cũng có thể tìm thấy một vài di tích liên quan đến phố nghề kim hoàn năm xưa tại đây. Còn Hàng Đường thì nhắn đến đã chảy nước miếng với những viên ô mai nức lòng. Hay Hàng Gai thì được biết đến với các mặt hàng dây gai, dây đay, võng thừng, … Về sau thì có vẻ cái nghiệp in sách, khắc ván du nhập vào đây mà hàng bán dây gai đã chuyển về phố Bát Đàn ngày nay.
Ô mai Hàng Đường
Hi vọng bạn sẽ biết thêm về Thủ Đô yêu dấu của mình và có thêm một bài hát yêu thích trong playlist.
nn1
Bình luận