Đến với mảnh đất cao nguyên Hà Giang, du khách thường dừng chân trên đường vào thị trấn Quản Bạ, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn một tuyệt tác của thiên nhiên mà không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của núi đôi Quản Bạ.
Sau khi vượt đèo,băng núi, qua những khúc cua nghẹt thở, những đoạn dốc quanh co, ở khúc ngoặt đầu tiên rẽ vào Tam Sơn (Quản Bạ) du khách đã bị hút hồn bởi những cảnh sắc vô cùng nên thơ.
Hà Giang lắm dốc, nhiều đèo, nhiều khúc cua nghẹt thở nhưng cũng lắm cảnh sắc nên thơ
Cùng những con người vất vả gánh nặng cả một đời
Giữa bạt ngàn của cao nguyên đá, thị trấn Tam Sơn hiện ra với ruộng đồng xanh gợn sóng, và nổi bật giữa không gian trập trùng đá núi là hình ảnh núi Đôi mang dáng hình của một cặp nhũ hoa căng đầy sức sống. Núi Đôi còn có tên gọi khác là núi Cô Tiên.
Giữa đại ngàn đá, nổi bật lên dáng hình của Núi Đôi căng tràn sức sống
Một tác phẩm “điêu khắc” chẳng biết vô tình hay hữu ý của tự nhiên, nhưng khiến du khách không khỏi bất ngờ trước một vẻ đẹp đầy quyến rũ và cân đối- một bầu ngực căng tràn sức sống của người con gái tuổi đôi mươi. Xung quanh Núi Đôi người ta lưu truyền những câu chuyện tình huyền thoại được truyền từ đời này sang đời khác.
Bàn tay tạo hóa luôn khiến người ta phải bất ngờ
Chuyện kể rằng xưa kia có một chàng trai người H’mông khôi ngô, tuấn tú lại có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi réo rắt của chàng đã làm lay động trái tim của nàng tiên Hoa Đào xinh đẹp nơi thượng giới khiến nàng si mê. Nàng theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi rồi phải lòng chàng nên nàng đã ở lại mảnh đất này. Họ nên duyên vợ chồng và sinh một bé trai kháu khỉnh. Ngọc Hoàng biết chuyện nàng Hoa Đào bỏ trốn xuống trần lấy người phàm thì vô cùng tức giận đã sai người bắt nàng về tiên giới bất chấp nàng khóc lóc van xin ở lại.
Núi Đôi Quản Bạ và một câu chuyện tình yêu đầy cảm động truyền nhau qua nhiều thế hệ
Thương chồng một mình nuôi con, thương con thơ nhỏ dại khát bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ hoa của mình dưới hạ giới cho con bú. Nhờ bầu sữa mẹ để lại nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, và sau này bầu sữa đó biến thành hai quả núi dáng hình bầu vú mẹ. Hai quả núi đó mà ngày nay trở thành núi Đôi hay núi Cô Tiên.
Ẩn hiện trong làn sương bồng bềnh buổi sớm
Một vẻ đẹp thật khó diễn tả thành lời
Nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu mát mẻ, cây trái xanh tươi, lúa ngô tươi tốt, rau trái thơm ngon. Tương truyền rằng, vì nhớ thương chồng con nàng đã khóc rất nhiều, nước mắt của nàng chảy xuống đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, lững lờ trôi bên dải đá tai mèo ôm lấy cả mảnh đất cao nguyên phía sau cổng trời huyền thoại.
Núi Đôi là bầu sữa nàng tiên Hoa Đào bỏ lại nuôi con khôn lớn
Nước mắt nhớ thương chồng con của nàng đã hóa dòng sông Miện xanh hiền hòa ôm cả miền cao nguyên đá
Tới Quản Bạ bốn mùa xuân hạ thu đông, dù bất kể mùa nào, bạn vẫn sẽ thấy hình ảnh núi Đôi Quản Bạ đầy đặn, căng tròn, và mỗi mùa lại mang một màu sắc mới khi xanh thắm mỡ màng, khi nâu sồng mộc mạc, dung dị như chính những con người sống nơi cao nguyên sỏi đá này.
Xuân xanh mỡ màng cây cỏ
Hay nâu sồng mộc mạc giữa một bức tranh vàng mùa lúa
Lên với Hà Giang – mảnh đất đầy những đá tai mèo, những con người sống cùng với đá, mảnh đất khô cằn mà khắc nghiệt nhưng lại chứa đầy những câu chuyện tình lãng mạn, những cảnh đẹp nên thơ mà say đắm lòng người. Những câu chuyện tình đã thổi hồn vào những núi, những đá để cuộc sống nơi đây vất vả nhưng sao vẫn thấy ấm áp một chữ tình.
Bình luận