Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Trong suốt thời kỳ của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc. Khi Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc rồi nước Việt Nam thống nhất và giữ vai trò này cho tới ngày nay.
Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội hiện nay có diện tích 3.324,92 km², gồm một thị xã, 10 quận và 18 huyện ngoại thành. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả quốc gia. Năm 2007, GDP của thành phố tăng khoảng 12,1%, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD, tổng thu ngân sách khoảng 45.709 tỷ đồng. Hà Nội cũng là một trung tâm văn hóa, giáo dục với các nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn.

Hà Nội – 1000 năm Thăng Long

Hà Nội “36 phố phường” đã trở thành cái tên quen thuộc cho dù đến nay vẫn còn nhiều người tranh cãi, bởi có người cho rằng đó chỉ là con số tượng trưng, con số của sự ước lệ… Tuy nhiên, Hà Nội xưa mỗi phố mỗi nghề thì hoàn toàn đúng. Bởi xưa kia, dân các nơi về Hà Nội sinh sống tụ hội lại với nhau theo hội theo phường để dễ làm ăn sinh sống, lâu dần hình thành nên những phố nghề, phố hàng chuyên biệt. Đó cũng là cái đặc tính của người Việt Nam xưa, đi đâu, ở đâu cũng gắn bó với nhau theo lối “buôn có bạn, bán có phường”.

Cũng có những tên phố hình thành nên nhờ vào một sự tích hay một giai thoại đặc biệt nào đó, chẳng hạn như phố Hàng Cháo xưa vốn là nơi bán cháo cho các sĩ tử về kinh thi Hội, thi Đình; hay như phố Trường Tiền nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có một xưởng đúc tiền của triều đình.

Có lẽ vì Hà Nội có những con phố đặc biệt như thế cho nên người Hà Nội cũng có thói quen cần gì thì đến phố ấy để mua. Chẳng hạn muốn mua cái mành tre thì lên Hàng Mành, muốn cắt mấy thang thuốc bắc thì đến phố Thuốc Bắc, cần sắm đôi chiếu hoa thì tìm đến phố Hàng Chiếu… Và đây cũng chính là điểm làm cho Thủ đô Hà Nội trở nên khác lạ và đặc sắc so với nhiều Thủ đô khác trên thế giới.

Thời gian trôi qua, cuộc sống cũng có nhiều biến đổi. Hà Nội bây giờ địa giới mở rộng gấp năm gấp mười lần so với thời xưa. Ngay đến khu phố cổ, nơi có những con phố mang tên “phố Hàng” cũng đã có nhiều đổi thay. Những con phố ít nhiều còn giữ được nghề xưa như phố Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Hàng Đồng… không còn lại bao nhiêu, đa số đã chuyển sang ngành nghề khác. Như phố Hàng Than giờ bán bánh cốm, chè thuốc, hàng phục vụ đám cưới; phố Hàng Vải nay bán toàn tre nứa; phố Hàng Cháo nay lại chuyên về dụng cụ cơ khí, cơ điện… Cái sự đổi thay ấy người dân cho rằng là chuyện thường tình, bởi tùy theo thời, theo sở thích mà cuộc sống cũng có những đổi thay nhất định.

Bây giờ, ở Hà Nội bắt đầu hình thành nên những con phố mới với những ngành nghề mới, mặc dù tên phố không còn được gọi theo kiểu “phố Hàng” như xưa. Chẳng hạn như phố Hai Bà Trưng chuyên bán hàng điện tử, phố Lý Nam Đế chuyên về hàng máy tính, phố Lương Văn Can chuyên bày bán đồ chơi trẻ con, phố Hoàng Hoa Thám chuyên hoa cây cảnh, thậm chí có cả phố chuyên bán điện thoại di động cũ như phố Đặng Dung…

Dạo qua một vòng khu phố cổ, 36 phố phường Hà Nội đã khác xưa nhiều. Khách sạn, tiệm cà phê, hàng ăn, quán bia… mọc lên san sát. Dẫu biết đấy là sự thay đổi vì cuộc sống nhưng ngẫm lại vẫn thấy như có cái gì đó bồi hồi một Hà Nội xưa.